Hà Nội xây khu đô thị chức năng phía Nam Đại lộ Thăng Long là tin được chào đón nhất năm 2018
Ngày 14/2, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội tổ chức công bố quy hoạch chi tiết khu đô thị chức năng phía Nam Đại lộ Thăng Long tỷ lệ 1/500 thuộc phường Mễ Trì, Trung Văn, Phú Đô (Nam Từ Liêm).
Khu đô thị chức năng được lập theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 25 ngày 28/1/2015 về việc thực hiện dự án Trung tâm văn hóa, du lịch và thương mại để tạo vốn xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia-quốc tế.
Khu đô thị chức năng phía Nam Đại lộ Thăng Long tỷ lệ 1/500, có diện tích hơn 75ha, quy mô dân số 10.000 người, được quy hoạch thành khu nhà ở, hồ điều hòa, cây xanh, trường học tạo thành một khu đô thị “thành phố vườn” kiểu mẫu phía Nam Thủ đô.
Đáng chú ý, hệ thống công trình kiến trúc được xây dựng ở khu đô thị này có bố cục thành mảng theo hình chữ U, hướng lên phía Bắc và bao bọc không gian cảnh quan cây xanh mặt nước về ba phía.
Quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000 đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt trước đó.
“Thành phố vườn” là gì?
Khái niệm về Thành phố vườn được đưa ra lần đầu tiên từ năm 1898 bởi Ebenezer Howard người Anh. Howard đưa ra khái niệm này trong cuốn “Tomorrow: a Peaceful Path to Real Reform” (1898); sau đó được tái bản vào năm 1902 với tên mới là “Garden Cities of Tomorrow”.
Các thành phố vườn là các thành phố được quy hoạch, xây dựng với các không gian xanh và vành đai xanh. Trong thành phố đó, các phân khu chức năng như khu dân cư, công nghiệp, nông nghiệp đều được xây dựng khá tách biệt.
Thành phố vườn là một khái niệm hay và đầy tính nhân văn. Từ khái niệm này, đã xuất hiện loại hình đô thị sinh thái, một loại khái niệm mới về đô thị gần gũi thiên nhiên và phổ biến khắp toàn cầu hiện nay.
Tại châu Á, thành phố vườn được biết đến khá muộn và Kuala Lumpur, Khu phố Đông (Thượng Hải)… chính là những thành phố đầu tiên thực hiện được ý tưởng này một cách khá hoàn chỉnh. Kuala Lumpur có được gương mặt đô thị hiện đại với đầy đủ sắc thái, tinh thần metropolis nhưng lại lưu giữ và tôn tạo được vẻ đẹp của thiên nhiên trong thành phố.
Theo Wikipedia
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ